Gấp rút triển khai đường Vành đai 3, Vành đai 4 và Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài

Ngày 26/5/2021, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương phối hợp với các địa phương để gấp rút triển khai thực hiện các dự án đường Vành đai, 3,4 và Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

duong-vanh-dai-3

Khẩn trương điều chỉnh phạm vi các dự án thành phần đối với dự án đường Vành đai 3

Dự án đường Vành đai 3 đi qua 4 tỉnh thành: Long An, Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai có tổng chiều dài tuyến đường hơn 90km. Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 3 có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông, góp phần phát triển dịch vụ vận tải liên vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.

Việc hoàn thành dự án đường Vành đai 3 là hết sức quan trọng đối với các dự án giao thông trọng điểm của khu vực, kết nối hạ tầng và phát huy hiệu quả của các tuyến đường cao tốc như Bến Lức – Long Thành , TP.HCM – Mộc Bài.

Tuy nhiên đến nay, dự án mới chỉ làm 16,3km đoạn qua địa phận Bình Dương. Cả ba đoạn còn lại, gồm đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 34,3km, đoạn Bình Chuẩn (Bình Dương) – Quốc lộ 22 (TP.HCM) dài 17,5km, đoạn quốc lộ 22 – Bến Lức (Long An) dài 29,2km vẫn chưa thi công.

Do đó, lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Long An, Bình Dương, Đồng Nai cho rằng cần phải gấp rút triển khai đường Vành đai 3, quyết tâm thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025.

Để làm được điều này, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan (gồm TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An) khẩn trương điều chỉnh phạm vi các dự án thành phần để giao các địa phương triển khai theo phương thức đối tác công – tư (PPP).

Theo đó, các địa phương sẽ cân đối toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng; ngân sách trung ương hỗ trợ một phần chi phí vốn cho công tác xây lắp theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công- tư.

Khẩn trương tìm nguồn vốn triển khai dự án đường Vành đai 4

Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 28/9/2011, dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài 197,6km, đi qua 5 tỉnh: TP Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An.

Dự án tuyến đường Vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp nhận và giải toả lưu lượng giao thông từ miền Tây Nam bộ, giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô TP.HCM, tạo điều kiện thuận lợi kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, và góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hoá, phát triển dịch vụ cảng.

Hiện dự án Vành đai 4 mới chỉ được Bộ cho phép lập dự án đầu tư đoạn 5 (Bến Lức – Long An tới cuối tuyến trục Bắc Nam TP.HCM), bốn đoạn còn lại chưa có nguồn vốn để triển khai.

Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan (Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Long An) xác định các dự án thành phần qua từng địa phương để giao cho các địa phương triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công – tư (PPP).

Các địa phương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn để thực hiện đầu tư theo cơ chế tương tự như Vành đai 3.

Cân đối vốn cho dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài từ nguồn ngân sách của TP

Tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có chiều dài 50km, điểm đầu từ đường Vành đai 3, huyện Hóc Môn (TP.HCM), điểm cuối cao tốc kết nối vào quốc lộ 22, trước Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có thiết kế 4 làn xe, tốc độ cho phép 80 km/h.

Dự án sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải của tuyến quốc lộ 22, góp phần làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối giữa TP.HCM và Campuchia. Theo lãnh đạo hai địa phương Tây Ninh và TP.HCM, tiến độ đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là vấn đề cấp bách cần phải sớm thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai.

Theo đại diện UBND tỉnh Tây Ninh, dự kiến đến năm 2023, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ khởi công và dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2025.

Để thực hiện dự án, TP.HCM sẽ chủ động cân đối vốn của dự án từ nguồn ngân sách của TP, gồm toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, và thực hiện theo phương thức hợp tác công tư; nghiên cứu khai thác quỹ đất phát triển đô thị và các khu dịch vụ, công nghiệp phù hợp, hiệu quả.

Nam Nhà Đất được biết, dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, trong đó hơn 5.400 tỷ đồng là chi phí xây dựng, hơn 650 tỷ đồng là chi phí quản lý dự án và khai thác, hơn 5.000 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng, và hưn 2.400 tỷ đồng là chi phí dự phòng và lãi vay.



source https://namnhadat.vn/gap-rut-trien-khai-duong-vanh-dai-3-vanh-dai-4-va-cao-toc-tp-hcm-moc-bai/

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bà Rịa – Vũng Tàu chi 630 tỷ để GPMB cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu

5 Loại Thuế Mua Bán Nhà Đất Phải Nộp Khi Thực Hiện Giao Dịch

Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông