Từ 2021 những loại công trình nào được miễn giấy phép xây dựng?

Chiều 17/6, Quốc hội đã thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, trong đó quy định nhà ở riêng lẻ ở nông thôn dưới 7 tầng trong khu đô thị có quy hoạch 1/500 được phê duyệt không cần xin giấy phép xây dựng.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng này có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Trong các điểm mới, luật đã điều chỉnh các quy định về cấp giấy phép xây dựng đối với một số công trình, nhà ở.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng

Cụ thể, theo Điều 89, 10 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:

  1. Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;
  2. Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị – xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;
  3. Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật này;
  4. Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựngđã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn phòng, chống cháy, nổ;
  5. Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ;
  6. Công trình xây dựng trên địa bàn hai tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
  7. Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật này;
  8. Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
  9. Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;
  10. Chủ đầu tư xây dựng công trình quy định tại các điểm b, e, g, h và i khoản này, trừ nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm i khoản này có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.

Có thể thấy một trong những điểm mới của luật là nới lỏng hơn đối với việc miễn phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị. Theo Luật Xây dựng 2014, nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị chỉ được miễn giấy phép xây dựng trong trường hợp: “Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới bảy tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Luật sửa đổi chỉ yêu cầu nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị thỏa mãn hai điều kiện là quy mô dưới 7 tầng và có quy hoạch chi tiết 1/500.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo luật cũng đã quy định quản lý chặt chẽ hơn với việc miễn giấy phép xây dựng ở nông thôn, bổ sung quy định về giới hạn quy mô xây dựng công trình đối với trường hợp miễn giấy phép ở nông thôn, và cho phép công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vào trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên đối với ý kiến bổ sung chế tài xử lý vi phạm trong quy hoạch; đề nghị quy định chế tài không cung cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết các quy định này thuộc xử lý vi phạm hành chính, dân sự, hình sự và đã có trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này nên không cần quy định về chế tài xử lý vi phạm hành chính trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng này.

Mặc dù luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhưng theo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng một số quy định của luật sẽ có hiệu lực sớm hơn, từ ngày 15-8-2020 nhằm sớm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy xây dựng triển khai các dự án và giúp hồi phục kinh tế – xã hội sau đại dịch COVID-19.



source https://namnhadat.vn/tu-2021-nhung-loai-cong-trinh-nao-duoc-mien-giay-phep-xay-dung/

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bà Rịa – Vũng Tàu chi 630 tỷ để GPMB cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu

5 Loại Thuế Mua Bán Nhà Đất Phải Nộp Khi Thực Hiện Giao Dịch

Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông