Chuyển đổi 8 dự án đường cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công là cấp thiết hiện nay
Trong việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam sẽ được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Đẩy nhanh tiến độ và tiết kiệm 19.000 tỷ đồng
Theo Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thế, việc chuyển đổi 8 dự án đường cao tốc Bắc – Nam từ hình thức đối tác công – tư (PPP) sang đầu tư công, sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước là phù hợp với thực tiễn và mang lại nhiều lợi ích.
Cụ thể, đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP của nền kinh tế nhất là sau khi bị tác động bởi đại dịch COVID-19.
Đến nay, các dự án cao tốc Bắc – Nam về cơ bản đã hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán, giải phóng trên 70% mặt bằng. Với hình thức đầu tư công, các dự án có thể triển khai thực hiện ngay trong năm 2020 mà không gặp khó khăn về huy động vốn tín dụng và lựa chọn nhà đầu tư như theo hình thức PPP. Nếu các dự án triển khai theo hình thức PPP, thì phải tới giữa năm 2021, các dự án mới có thể huy động vốn và triển khai thi công, chậm hơn phương án đầu tư công 1 năm. Chưa kể trong trường hợp xấu, thì phải đến nưam 2022, các dự án mới có thể triển khai thực hiện, chậm hơn rất nhiều so với tiến độ yêu cầu tại nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.
Do đẩy nhanh tiến độ thực hiện, các dự án cao tốc có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội; góp phần vào sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và vùng kinh tế; kích thích sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng cho dự án; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, khi các dự án không bị kéo dài, chi phí lãi vay trong quá trình vận chuyển và chi phí dự phòng trượt giá có thể được giảm đáng kẻ.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tại, tổng mức đầu tư dự án sẽ giảm được khoảng 19.223 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt do tổng mức đầu tư dự án sau khi điều chỉnh chỉ còn khoảng 99.493 tỷ đồng.
Sau khi cả 8 dự án cao tốc Bắc – Nam hoàn thành, Chính phủ sẽ nghiên cứu phương án phù hợp để thu hồi vốn nhà nước để phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong giai đoạn tiếp theo.
Chuyển đổi dự án sang đầu tư công là phù hợp và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay
Việc chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công là phù hợp và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, đây là nhận định của ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ làm giảm áp lực lên các doanh nghiệp, dự án và ngân hàng, đặc biệt là khi dư nợ tín dụng của các dự án Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) giao thông hiện nay lớn (khoảng 102 tỷ đồng), nhiều dự án có doanh thu không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đủ trả nợ ngân hàng.
Hiện 43/116 dự án BOT giao thông đang phải cơ cấu chuyển đổi nợ với tổng số tiền khoảng 66.474 tỷ đồng, trong đó 10 dự án có khả năng phải chuyển sang nợ xấu với số tiền 14.618 tỷ đồng và 33 dự án có nguy cơ chuyển sang nợ xấu với số tiền trên 51.000 tỷ đồng.
Nhiều nhà đấu thầu dự án cao tốc Bắc – Nam có năng lực nhưng không đủ tiềm lực tài chính nhất là khi các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam có tổng mức đầu tư lớn. Sẽ rất khó để các nhà thầu vay ngân hàng số tiền lên đến 5.000 – 10.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án cao tốc Bắc Nam. Mặc khác, các ngân hàng đã đầu tư quá nhiều vào các dự án BOT giao thông và hiện cũng đã hết nguồn để đầu tư BOT.
Do đó, phía Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng việc chuyển đổi các dự án cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công là phụ hợp với thực tế và khả thi.
source https://namnhadat.vn/chuyen-doi-8-du-an-duong-cao-toc-bac-nam-sang-dau-tu-cong-la-cap-thiet-hien-nay/