Cao tốc TP HCM – Long Thành buộc phải mở rộng để giải quyết quá tải
Mới đây, đơn vị khảo sát thuộc Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành lên 8 làn xe vào năm 2025.
Được vận hành toàn tuyến vào đầu tháng 2/2015, đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55,7 km với tổng vốn đầu tư khoảng 20,630 tỷ đồng đã mang lại nhiều tiện ích giao thông và mở đầu cho sự phát triển hệ thống hạ tầng vùng Đông Nam Bộ. Cụ thể, tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP HCM với các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, giảm thời gian từ TP HCM đi Phan Thiết còn 3 giờ, thời gian từ TP HCM đi Vũng Tàu giảm còn 1,5 giờ, đồng thời giảm 20-30% chi phí vận tải.
Tuy nhiên, sau 5 năm hoạt động, với lưu lượng xe qua tuyến lớn, tăng khoảng 10% mỗi năm, từ 10 triệu lượt xe năm 2015 tăng lên 16,5 triệu lượt xe năm 2019, cao tốc đã quá tải. Đặc biệt, mặc dù thiết kế của tuyến đường chỉ 44.000 lượt xe nhưng mỗi ngày đã phải phục vụ khoảng 52.000 lượt xe qua lại, gây ra tình trạng tắc đường trên cao tốc.
Để giảm tải tắc đường trên cao tốc, Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E, đơn vị quản lý vận hành tuyến cao tốc) đã khuyến cáo tài xế cần lựa chọn các lộ trình thích hợp để đi trong các khung giờ cao điểm đặc biệt vào ngày lễ, tết và ngày cuối tuần.
Giám đốc VEC E, ông Nguyễn Viết Tân cho biết, số lượng xe lưu thông vượt quá khả năng đáp ứng của tuyến đường cao tốc, gây ra mãn tải, ùn tắc, thậm chí còn xảy ra tai nạn, ảnh hưởng đến công tác vận hành và sự phát triển của nền kinh tế.
Do đó, chính quyền cho rằng mở rộng cao tốc nối TP HCM với Đồng Nai rất cần thiết, đảm bảo việc kết nối hạ tầng giao thông, giúp kết nối vùng và đồng bộ với kế hoạch xây sân bay Long Thành và giải quyết vấn đề quá tải hiện nay.
UBND Đồng Nai đã đề xuất tăng từ 4 lên 10 đến 12 làn đường theo quy hoạch trước đây. Theo đó, dựa trên số liệu lưu lượng xe khảo sát sơ bộ tại trạm thu phí Long Phước năm 2017, Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam (Tedi South) dự báo năm 2025, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ mở rộng 5 làn xe, năm 2030 dự kiến mở rộng 7 làn xe, 2035 mở rộng 8 làn, 2038 lên 9 làn và 2040 thành 10 làn.
Nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông đến năm 2040, đối với đoạn từ nút giao An Phú (quận 2, TP HCM) đến thị trấn Long Thành, năm 2025 dự báo sẽ mở rộng từ 4 đến 8 làn xe với nguồn vốn hơn 9.800 tỷ đồng. Năm 2040, dự kiến mở rộng lên 10 làn xe. Đoạn từ Long Thành tới Dầu Giây dài 31km sẽ giữ nguyên 4 làn xe.
Theo ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc CIPM Cửu Long, phương án mở rộng đường cao tốc Long Thành phù hợp với cơ sở xây dựng và đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng kết nối cao tốc này trong những năm tới như: cao tốc Bến Lức – Long Thành, sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 3, đường 25c, cầu Cát Lái, và các tuyến đường sắt…
CIPM Cửu Long đề xuất việc đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây theo hình thức đầu tư công nguồn vốn trong nước hoặc nguồn vốn ODA (JICA) của Nhật Bản.
UBND TP HCM đã đồng ý với đề xuất và phương án tăng làn cao tốc TP HCM – Long Thành của UBND Đồng Nai và yêu cầu việc mở rộng tuyến cao tốc cần được khảo sát và đánh giá kỹ dựa trên nhu cầu giao thông thực tế.
Để cao tốc kết nối tốt với các tuyến đường trên địa bàn, TP HCM đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh nút giao An Phú (quận 2) đồng bộ với quy mô của cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây sau khi mở rộng.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung nút giao thông kết nối cao tốc với đường Long Phước (quận 9) tạo động lực phát triển ở địa phương, Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố và phát huy hiệu quả của dự án đường cao tốc.
source https://namnhadat.vn/cao-toc-tp-hcm-long-thanh-buoc-phai-mo-rong-de-giai-quyet-qua-tai/